Tính đến hết ngày thi đấu 7/10, chủ nhà Trung Quốc đã giành 200 HC vàng, nhiều hơn cột mốc cũ một chiếc.
Kỷ lục cũ cũng thuộc về Trung Quốc, được lập tại Asiad Quảng Châu 2010. Nước chủ nhà có thể cán mốc 202 HC vàng tại kỳ này do còn thi hai nội dung vào ngày mai 8/10, gồm karate nội dung đối kháng kumite hạng dưới 50kg nữ và đồng đội bơi nghệ thuật.
Với 200 HC vàng, Trung Quốc giành 41,6% tổng số vàng từ 481 nội dung. Nước chủ nhà cũng dẫn đầu ở hầu hết các môn thi.
Bơi đem về nhiều HC vàng nhất cho Trung Quốc với 28 chiếc trong 41 nội dung. Xếp sau là điền kinh (19 HC vàng), bắn súng (16), rowing, wushu (11), nhảy cầu, thể dục dụng cụ (10), canoeing (9).
Trên bảng tổng sắp, Trung Quốc dẫn đầu với 200 HC vàng, 111 HC bạc và 71 HC đồng. Nhật Bản xếp thứ hai với 51 HC vàng, 66 HC bạc và 69 HC đồng. Xếp thứ ba là Hàn Quốc với 42 HC vàng, 59 HC bạc và 89 HC đồng.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu ở vị trí thứ tám với 12 HC vàng, 14 HC bạc và 32 HC đồng. Việt Nam đứng thứ 21 với ba HC vàng, năm HC bạc và 19 HC đồng.
Sau sáu kỳ Asiad đầu tiên không tham dự, Trung Quốc có mặt từ Asiad Tehran 1974 ở Iran và đứng thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương, rồi xếp nhì ở kỳ tiếp theo tại Bangkok, Thái Lan. Từ Asiad New Delhi năm 1982 ở Ấn Độ, Trung Quốc lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn và giữ vững vị thế 11 kỳ liên tiếp.
Trung Thu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét